UNND tỉnh Nam Định vừa ban hành Đề án “Thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông giai đoạn năm 2015-20120”. Theo đó, năm học 2015-2016, Nam Định đưa giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh có thu học phí khoảng 10 trường.
Theo đó, tổ chức dạy học tiếng Anh miễn phí cho 02-03 trường với tình nguyện viên nước ngoài; Tổ chức hợp tác dạy bằng tiếng Anh có thu học phí môn Toán và các môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học) cho 5 lớp (tập trung vào các lớp đầu cấp) ở một số trường có chất lượng khá, tốt.
Từ năm học 2016-2017, Nam Định sẽ căn cứ vào tình hình thực tế tiếp tục mở rộng việc triển khai đề án phấn đấu đến năm học 2019-2020 đưa giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh có thu học phí khoảng 35 trường có chất lượng khá, tốt; Tổ chức dạy tiếng Anh miễn phí cho khoảng 10 trường với tình nguyện viên nước ngoài; Mở rộng hợp tác dạy bằng tiếng Anh có thu học phí môn Toán và các môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học) cho các trường có đủ điều kiện.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án Ngoại ngữ 2020
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, việc thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông Nam Định giai đoạn năm 2015-20120 nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong một số trường phổ thông có điều kiện, chú trọng đổi mới hình thức dạy – học, kiểm tra, đánh giá, tạo điều kiện phát triển năng lực tư duy, sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng giao tiếp tiếng Anh của giáo viên và học sinh, trên cơ sở đó mở rộng ra các trường phổ thông trên địa bàn; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đáp ứng mục tiêu của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020.
Cụ thể, tăng cường năng lực tiếng Anh cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng Nghe và Nói giúp học sinh tự tin, mạnh dạn sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, tham gia vào các hoạt động giao lưu, học tập, trải nghiệm, hội nhập quốc tế, tham dự các cuộc thi Toán và khoa học tự nhiên quốc tế đạt kết quả tốt. Giúp giáo viên các nhà trường giao lưu, trao đổi, học hỏi giáo viên tiếng Anh bản xứ để tăng cường năng lực tiếng Anh và phương pháp sư phạm; Hỗ trợ học sinh ở các trường triển khai dạy tiếng Anh hệ 10 năm đạt chuẩn quy định theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam sau khi kết thúc cấp học.
Để thực hiện mục tiêu này, Nam Định quyết định tăng cường và dạy tiếng Anh với giáo viên và tình nguyện viên người bản xứ nói tiếng Anh bằng cách lựa chọn các trung tâm tiếng Anh uy tín hoặc các đơn vị, tổ chức phi chính phủ có đủ năng lực, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, các quy định của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh và Sở GD-ĐT để phối hợp tổ chức giảng dạy tiếng Anh trong Nhà trường.
Tổ chức dạy môn Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh với việc lựa chọn một số công ty, trung tâm ngoại ngữ có đủ năng lực, có quyết định thành lập và giấy phép hoạt động để hợp tác tăng cường giảng dạy Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Việc dạy kết hợp với phần mềm tương tác được Sở GD-ĐT phê duyệt.
Kiểm tra, đánh giá học sinh tham gia chương trình căn cứ vào các tiêu chí của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Bên cạnh đó, hợp tác với Hội đồng Anh và phối hợp với một số đài phát thanh, truyền hình trung ương, địa phương, Báo Nam Định để phát sóng chương trình dạy tiếng Anh…
Khẩn trương triển khai Đề án thí điểm
Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cho biết: Theo Đề án thí điểm thì Sở có trách nhiệm thẩm định chương trình, phê duyệt kế hoạch hợp tác giữa các tổ chức dạy ngoại ngữ với các trường học có đủ điều kiện. Bên cạnh đó thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát về chuyên môn đối với các tổ chức dạy ngoại ngữ, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy (nếu cần) để nâng cao chất lượng giảng dạy; chủ động hoặc phối hợp với các đơn vị kiểm định độc lập có đủ năng lực, đánh giá, kiểm tra chất lượng của cán bộ giảng dạy tiếng Anh, để có giải pháp xử lý kịp thời, đảm bảo chất lượng giảng dạy.
“Sự có mặt của các giáo viên nước ngoài tạo một luồng sinh khí mới trong trường, giúp học sinh có cơ hội thể hiện khả năng nghe nói, khẳng định vị thế của trường chuyên của tỉnh. Có rất nhiều học sinh đạt điểm tối đa trong kỳ thi này” – Lãnh đạo trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định bày tỏ niềm vui sau khi thực hiện việc kiểm tra đầu vào cho 1.600 học sinh trong toàn trường.
Chung tâm trạng, cô Nguyễn Thị Sinh – Tổ trưởng Tổ tiếng Anh trường THPT Trần Hưng Đạo, ngôi trường đã tiến hành đưa chương trình thử nghiệm vào giảng dạy trong thời khóa biểu chính khóa của nhà trường chia sẻ: “Chúng tôi rất vui vì chương trình đã tạo sự lan tỏa rất tốt, giúp các con học sinh tự tin nói chuyện với người bản ngữ. Các giáo viên người Việt cũng chia sẻ, học tập được nhiều kỹ năng mới của giáo viên nước ngoài”
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, để mọi học sinh đều có thể tham gia được Đề án thì tỉnh cũng đã giao cho Sở tài chính phối hợp với Sở GD-ĐT thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt mức thu học phí đối với các chương trình dạy học có sự đóng góp của người học. Bên cạnh đó đơn vị này cũng sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý sử dụng học phí của các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Nguyễn Hùng
Theo dantri.com.vn