Katie Perhach, làm việc ở công ty luật Quarles & Brady, nằm trong số những người đầu tiên rời văn phòng vào một ngày nọ và bà rất tự hào khoe điều đó.
Đó là khi chưa tới 5 giờ chiều trong khi 475 người mà bà quản lý thuộc văn phòng công ty ở Milwaukee, Wisconsin, vẫn còn đang hăng say làm việc. Nhưng bà phải đi xem trận bóng chày của đứa con trai 11 tuổi của bà.
Cân bằng công việc và cuộc sống
“Nó đã có một cú chụp tuyệt hảo ở cánh trái,” Perhach nhớ lại. “Nó cười toe toét. Dù có thế nào đi chăng nữa tôi cũng không thể nào bỏ lỡ khoảnh khắc đó được.”
Perhach đã tìm được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống và có thể ưu tiên những gì thật sự quan trọng đối với với bà – những khoảnh khắc quý giá trong cuộc sống.
Tuy nhiên, không phải nhà quản lý nào cũng may mắn như vậy.
Nhiều người ở các vị trí giám sát cho rằng họ phải là người đầu tiên đến sở làm và người cuối cùng về nhà và rằng sự không có mặt của họ sẽ là dấu hiệu khiến nhân viên không chuyên tâm làm việc, và rằng công việc phải được ưu tiên trước hết bất chấp tất cả.
“Ở nhiều công sở có suy nghĩ rằng anh không thể vừa làm quản lý vừa có cuộc sống riêng được,” ông James Adonis, một nhà tư vấn về lãnh đạo và thu hút nhân viên ở Sydney, Úc, nói.
Không nhất thiết phải như vậy. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng làm việc liên tục trong nhiều giờ khiến con người ta trở nên mất hạnh phúc và làm việc ít hiệu quả hơn.
Nếu bạn là một nhà quản lý lúc nào cũng ở trong văn phòng, hãy nghĩ đến thông điệp mà điều này gửi đến các nhân viên.
Những nhà quản lý lúc nào cũng có mặt ở văn phòng sẽ tạo ấn tượng rằng họ quản lý thời gian không tốt, theo Adonis.
Quan trọng hơn, nhân viên của bạn sẽ nghĩ rằng bạn không coi trọng cuộc sống riêng.
“Thông điệp mà bạn cần chuyển tải là chúng ta không nhất thiết phải dành cả đời cho công việc và rằng anh có thể làm việc cho tôi nhưng vẫn có thể có cuộc sống riêng,” Adonis nói.
Dành quá nhiều thời gian cho công việc sẽ khiến mọi người nghĩ là bạn không coi trọng cuộc sống riêng
Tập trung vào hiệu quả công việc
Các nhà quản lý cần tập trung vào hiệu quả công việc hơn là sự có mặt ở văn phòng, ông Stewart Friedman, giáo sư và là người đứng đầu dự án Hòa hợp Công việc/Cuộc sống ở Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, nói.
Hồi năm 2001, khi Friedman là một nhà điều hành cao cấp ở FordMotor, ông đã đưa ra một chương trình lãnh đạo nhấn mạnh vào kết quả công việc chứ không phải là sự có mặt ở văn phòng.
Chương trình này đã dẫn đến kết quả là nhân viên làm việc hiệu quả hơn và hài lòng hơn về công việc của họ.
Bạn không chắc liệu Sếp của bạn có chấp nhận ý tưởng này hay không?
Friedman gợi ý một kế hoạch gồm hai phần trước khi bạn giới thiệu ý tưởng này.
Trước hết, đưa ra ưu tiên điều gì quan trọng nhất và xem xét điều đó sẽ chiếm bao nhiêu thời gian trên thực tế.
Hỏi người thân và bạn bè họ sẽ nhờ bạn làm gì nếu bạn có nhiều thời gian hơn bên cạnh họ.
Đây không phải là bạn lơ đễnh trong công việc mà là bạn lên kế hoạch cho những việc quan trọng đối với bạn. Đó có thể là đến thăm mẹ ở nhà dưỡng lão hay đến xem buổi tập luyện thể dục của con gái.
“Những gì mà mọi người mong đợi ở bạn thường là ít hơn nhiều so với bạn tưởng. Điều mà họ mong là có thêm một chút thời gian có ý nghĩa nữa, chỉ vài giờ một tuần khi mà bạn thật sự có mặt và không suy nghĩ về công việc hay kiểm tra email,” Friedman nói.
Kế đó, hãy nghĩ ra một kế hoạch để trình bày với các lãnh đạo về việc làm sao bạn nên rời khỏi văn phòng nhiều hơn.
Hãy trình bày một kế hoạch hợp lý, Friedman khuyên, và bất cứ người Sếp hiểu lý lẽ nào cũng sẽ đồng ý.
Có lẽ đó chỉ là một đề xuất rằng bạn sẽ rời khỏi văn phòng vào lúc 3h chiều vào thứ Ba và sẽ không hồi đáp email và điện thoại.
Trước khi Sếp bạn nói không, hãy giải thích rằng việc này sẽ không ảnh hưởng gì đến hiệu quả công việc của bạn.
Hãy thử trong một tháng và nếu bạn không đáp ứng được những chuẩn mực trong công việc thì hãy hứa là bạn sẽ quay trở lại làm việc vào mỗi chiều thứ Ba.
Xây dựng uy tín
“Mọi người thường nói rằng họ không thể rời sở về nhà bởi vì Sếp không cho phép,” Friedman nói. “Nhưng trách nhiệm của bạn là xem mình có thể tự kiểm soát được những gì.”
Đó còn là việc tái sắp xếp lại thời gian trong ngày của bạn, theo Perhach, và rũ bỏ suy nghĩ cố hữu rằng bạn phải làm việc tám tiếng mỗi ngày, hoặc ở một số ngân hàng đầu tư hay công ty luật là 16 tiếng mỗi ngày.
Perhach nói đôi khi bà có có thể rời sở làm sớm là do bà đã có vị trí vững vàng ở công ty và luôn hoàn thành nhiệm vụ và khi cần thiết có thể quay lại sở vào buổi tối.
“Một khi tôi đã xây dựng được uy tín là một người làm việc chăm chỉ, mọi người không để ý nhiều đến việc tôi không có mặt ở bàn làm việc,” bà nói.
Vào buổi tối hôm đó, sau khi đến xem trận bóng chày của con trai, bà và con trai đi ăn bánh kẹp. Sau đó bà về nhà để cho ba đứa con trai đi ngủ.
Sau khi chúng đã ngủ, bà bật máy tính lên để quay trở lại với công việc.
Đến khi đó, tâm trí bà vẫn còn lâng lâng với cú bắt bóng của con trai. Bà chắc chắn đã làm việc trở lại nhưng bà cảm thấy vui sướng hơn vì đã tạo ra sự cân bằng giữa những gì quan trọng trong công việc và cuộc sống.
“Điều này sẽ không thể làm được nếu tôi không làm cho mình trở thành một người luôn hoàn thành công việc,” Perhach nói.
“Anh phải có một quá trình thành tích gì đó và khi đó mọi người sẽ tin tưởng rằng anh có thể hoàn thành nhiệm vụ mà không phải lúc nào cũng có mặt ở bàn làm việc.”
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Capital.