Công bố lịch thi trung học phổ thông quốc gia

(TBKTSG Online) – Sáng ngày 30-6, thí sinh sẽ đến làm thủ tục, nhận thẻ dự thi và chỉnh sửa sai sót, và từ ngày 1 đến ngày 4-7 là thời gian diễn ra 8 môn thi của kỳ thi THPT quốc gia.

Ngày 21-3, tại TP HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác tổ chức thi THPT quốc gia 2016 và công bố kế hoạch triển khai kỳ thi này.

d243a_ban

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trong buổi làm việc chiều nay, 21-3. Ảnh: Ban Cao

Theo kế hoạch của Bộ, từ ngày 1-7 đến ngày 4-7 là thời gian diễn ra 8 môn thi THPT quốc gia.

Trong đó, các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Riêng đề thi môn Ngữ văn có 2 phần đọc hiểu và làm văn.

Cụ thể, lịch thi THPT quốc gia 2016 như sau:

Ngày Buổi Môn thi Thời gian làm bài
1-7 Sáng Toán 180 phút
Chiều Ngoại ngữ 90 phút
2-7 Sáng Ngữ văn 180 phút
Chiều Vật lý 90 phút
3-7 Sáng Địa lý 180 phút
Chiều Hóa học 90 phút
4-7 Sáng Lịch sử 180 phút
Chiều Sinh học 90 phút

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, năm nay, cả nước có 70 cụm thi THPT quốc gia do các đại học chủ trì và 50 cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì.

Tại TPHCM, có 4 cụm thi do các trường đại học chủ trì gồm: Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Sư phạm TPHCM.

Còn tại thành phố Hà Nội có 5 cụm thi đại học gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Lâm nghiệp.

Vì mỗi tỉnh đều có ít nhất một cụm thi do đại học chủ trì nên nhiều trường phải di chuyển về các tỉnh để tổ chức thi, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Tình hình này khác với năm ngoái khi cụm thi do đại học chủ trì tổ chức ít nhất tại hai tỉnh và đặt tại các đại học chủ trì cụm thi nên phần lớn cán bộ làm nhiệm vụ tại chỗ, không phải di chuyển xa.

“Mặc dù Bộ đã nghiên cứu giao nhiệm vụ đảm bảo các trường dịch chuyển đến địa phương gần nhất nhưng một số trường hợp phải di chuyển khá xa. Công tác tổ chức coi thi có thể phức tạp hơn trước kia do không thể điều động tất cả giảng viên của trường đến làm nhiệm vụ tại địa phương được giao chủ trì cụm thi”, ông Ga cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, các đại học chủ trì phải huy động tối thiểu 50% cán bộ coi thi để đảm bảo ít nhất mỗi phòng có 1 cán bộ coi thi của trường đó. Bên cạnh đó, các đại học, cao đẳng phối hợp cần cử ít nhất 20% tổng số cán bộ coi thi, còn lại là giáo viên do các sở GD&ĐT điều động.

Về công tác chấm thi, Bộ GD&ĐT giao đại học chủ trì có nhiệm vụ thành lập Ban chấm thi, cử lãnh đạo trường làm lãnh đạo ban này và cử các giảng viên đủ năng lực làm trưởng môn chấm thi.

Cán bộ chấm thi là cán bộ của các bộ môn cơ bản của đại học, cao đẳng và giáo viên THPT đáp ứng yêu cầu của quy chế thi. Số giáo viên chấm thi của Sở GD&ĐT không ít hơn 50% tổng số cán bộ chấm thi.

Ông Ga cho biết thêm, số lượng thí sinh ở các cụm thi do đại học chủ trì năm nay sẽ ít hơn năm 2015 do chỉ có thí sinh của địa phương và được tổ chức ngay tại địa phương.

TRUNG TÂM TIẾNG ANH NEWSKY

Hotline: 090 999 01 30 – (08) 3601 6727

Add: 292 Âu Cơ, P. 10, Q. Tân Bình, Tp.HCM