Tố chất của người triển vọng thăng tiến nhanh

Theo các chuyên gia, thăng tiến trong nghề nghiệp không phải là một quá trình “tự động” theo kiểu “đến hẹn lại lên”, nhất là trong những môi trường làm việc cạnh tranh. Những nhân viên không làm gì mà chỉ ngồi chờ cơ hội đến thường sẽ trở nên thất vọng và mệt mỏi. Ngược lại, những nhân viên chủ động tìm kiếm và nắm bắt các cơ hội thường sẽ “may mắn” hơn những nhân viên khác.
Susan Patel – Phó chủ tịch phụ trách tiếp thị của When I Work (công ty phát triển các ứng dụng quản lý thời gian sử dụng trên điện thoại thông minh) cho rằng, những người có nhiều triển vọng thăng tiến trong nghề nghiệp thường có chung những đặc điểm sau.
ff6phu-nu-thanh-dat
1. Sẵn sàng đón nhận thách thức
Có khá nhiều nhân viên khi đối diện trước các dự án mất nhiều thời gian hoặc các nhiệm vụ kéo dài thường tìm cách thoái thác trách nhiệm hoặc “giao phó” chúng cho những người khác.
Những nhân viên có triển vọng thăng tiến cao thường không né tránh khó khăn, thử thách. Họ xem những thời điểm như thế, từ việc tham gia vào một dự án mới, làm việc với một vị sếp mới cho đến việc chuyển văn phòng đến một địa điểm mới… đều là các cơ hội để học hỏi và phát triển.
2. Xem thất bại là cơ hội
Những người có trình độ chuyên môn càng cao thường càng khó chấp nhận thất bại. Khi gặp thất bại, họ cảm thấy mình có lỗi với bản thân và đồng nghiệp.
Tuy nhiên, những người có triển vọng thăng tiến cao lại xem thất bại là những cơ hội. Thay vì đổ lỗi cho bản thân hoặc người khác, họ tìm cách học hỏi từ chính những trải nghiệm của mình và tập trung vào việc hướng đến những kết quả tốt đẹp hơn trong tương lai.
3. Tự tin
Những nhân viên thăng tiến nhanh trong nghề nghiệp luôn tự tin vào bản thân, công việc và kế hoạch nghề nghiệp của họ. Sự tự tin ấy giúp họ có được niềm tin từ người khác và được người khác xem như những nhà lãnh đạo tương lai.
Patel cho rằng ngay cả những người vốn rụt rè, nhút nhát vẫn có thể học cách thay đổi bản thân để trở thành một người tự tin bằng cách thay đổi hình ảnh, cách giao tiếp của mình.
4. Lạc quan
Không ai thích làm việc với những đồng nghiệp thường xuyên than phiền và nhìn mọi việc với con mắt tiêu cực. Những người thăng tiến nhanh là những người rất lạc quan, luôn nhìn thấy giải pháp chứ không phải các vấn đề. Thay vì thừa nhận khó khăn, họ tìm cách khắc phục khó khăn.
Patel khuyên nhân viên nên thực hành để trở thành một người lạc quan bằng cách viết ra 3 – 5 điểm mà mình cảm thấy biết ơn mỗi ngày. Học suy nghĩ một cách lạc quan và tích cực sẽ giúp nhân viên có được những thành tích tốt trong công việc.
5. Sẵn sàng lắng nghe phản hồi
Những nhân viên đạt được tiến bộ nhanh trong nghề nghiệp thường sẵn sàng lắng nghe phản hồi, góp ý của cấp trên và đồng nghiệp. Từ đó, họ rút ra các bài học và thực hiện các thay đổi để cải thiện công việc.
Patel khuyên nhân viên không nên xem phản hồi của mọi người xung quanh là những lời chỉ trích mà là những đóng góp có tính xây dựng. Khi nhận được phản hồi của người khác, nên đáp lại bằng những câu như: “Tôi rất cảm ơn góp ý của anh và muốn dành một ít thời gian để xem xét vấn đề này cùng với anh. Chúng ta có thể trao đổi với nhau trong một giờ không?”.
6. Tìm người hướng dẫn
Những nhân viên có triển vọng thăng tiến nhanh thường tìm những người mà họ có thể học hỏi từ đó. Họ luôn muốn làm việc cùng với những nhà quản lý hay lãnh đạo sẵn sàng ủng hộ họ và chỉ ra cho họ các cơ hội tiềm năng hay giao phó cho họ nhiệm vụ mới.
Patel khuyên nhân viên nên thể hiện sự tôn trọng với một số nhà quản lý cấp cao, thể hiện mong muốn được học hỏi và giúp đỡ họ trong công việc.
7. Linh hoạt
Những người có triển vọng thăng tiến nhanh thường rất linh hoạt trong thời gian làm việc. Họ sẵn sàng làm nhiều thời gian hơn bình thường để hoàn thành một dự án hoặc để theo đuổi các cơ hội mới. Họ cũng rất dễ dàng thích nghi với các thay đổi trong công việc.
8. Tập trung vào kết quả
Trong công việc, những người thăng tiến nhanh trong nghề nghiệp không đặt nặng vấn đề một nhiệm vụ nào đó là công việc của ai mà nhiệm vụ ấy có được hoàn thành hay không.
Họ chú trọng vào các kết quả thay vì mất thời gian cho việc đổ lỗi lẫn nhau hay đùn đẩy trách nhiệm. Họ cũng sẵn sàng tham gia vào mọi việc để công việc được hoàn tất.
9. Thể hiện tinh thần cầu tiến
Đôi khi, sự khác biệt giữa một nhân viên được thăng chức và một nhân viên không được thăng chức nằm ở chỗ nhân viên được thăng chức biết cách thể hiện mong muốn được phát triển nghề nghiệp, tinh thần sẵn sàng gánh vác thêm trách nhiệm, đón nhận thêm thách thức và chứng minh với cấp trên rằng họ hoàn toàn có đủ năng lực để đảm nhận chức vụ cao hơn.
10. Kỹ năng thương lượng tốt
Làm hài lòng tất cả mọi người là một việc rất khó. Những người có khả năng thăng tiến nhanh trong nghề nghiệp thường là những nhân viên biết cách giúp đỡ những người khác và làm cho họ cảm thấy tự hào về những điểm mạnh của mình cũng như vui mừng với những kết quả chung mà nhóm đạt được.
Theo Đông Dương-DNSG