TẾT THANH MINH Ở NHẬT BẢN

Lễ thanh minh thường diễn ra trong suốt một tuần (18/3 – 24/3). “Hi” của “higan” trong Hán tự có nghĩa là “bên kia”, “Gan” là bờ, dùng để ám chỉ bờ phía bên Tây phương Cực Lạc. Ý nghĩa của Higan chính là cõi Niết bàn hay còn gọi là “Cực lạc Tịnh độ” – vùng đất thanh tịnh, một nơi người Phật tử lúc nào cũng ước muốn được đi đến đó sau kiếp này.

thanh-minh

Không biết chính xác từ năm nào bắt đầu có lễ Thanh minh, nhưng Thanh minh được tổ chức rộng khắp Nhật Bản vào thế kỷ thứ 8. Năm 806, Vua Nhật ban sắc lệnh tổ chức ngày lễ hội Thanh minh. Từ năm 1868, ngày này chính thức thành ngày nghỉ quốc lễ. Có hai đạo chính tại Nhật là Phật giáo và Shinto. Tuy nhiên hầu hết người Nhật kết hợp cả hai đạo giáo này, nghĩa là vừa đi chùa vừa đi đền Shinto cầu nguyện, nên có chỗ người ta cũng xây những đền và chùa cùng một khuôn viên.

Theo quan niệm của người Nhật Bản, vào ngày giữa của Higan (điểm phân) – mặt trời sẽ mọc ở hướng chính Đông và lặn ở hướng chính Tây – ngay trước cửa Đông của Thế Giới Cực Lạc. Đây là thời gian tốt nhất trong năm để chúng sinh hướng về phía Tây nguyện cầu mong cho linh hồn tổ tiên của họ đang trên đường vãng sinh được chư Phật độ cho siêu thoát khỏi cái kiếp luân hồi.

Lễ thanh minh Higan ở Nhật Bản đã có hơn 1000 năm trước. Mặc dù nó tương ứng với 2 ngày Xuân phân và Thu phân của Trung Quốc nhưng chỉ có Nhật Bản coi trọng nó như hai dịp lễ lớn của một năm và có ý nghĩa rất đặc biệt.

le-thanh-minh-cua-nhat-ban

Trong thời gian một tuần này, người Nhật Bản sẽ thăm viếng phần mộ ông bà, tổ tiên. Theo phong tục, họ sẽ sửa sang lại mộ, dâng hoa, dâng hương, dâng bánh và rượu Sake. Loại bánh đặc trưng trong ngày này là bánh botamochi (sẽ được gọi ohagi trong ngày hạ chí), loại bánh nếp, dẻo, mềm, hơi ngọt được vắt tròn sau đó được phủ quanh bằng một lớp đậu đỏ đánh nhuyễn và ngọt. Người Nhật đốt nhang trước mộ phần, cây nhang màu xanh lá đậm, không có chân nhang, mà bột nhang phủ tận cuối, vì thế trong các lư hương tại Nhật sẽ không thấy chân. Trước một phần mộ, thường người ta có hai chỗ cắm hoa tại hai bên linh bài, riêng đồ cúng thì được đặt ngay chính giữa. Ở Nhật, có lẽ vì đất đai khan hiếm, nên thường người chết được hỏa táng, riêng những nhà giàu sang thì xây mộ phần. Theo tục lệ, việc hỏa táng tại Nhật được tổ chức thành buổi lễ, dưới sự chủ trì của các nhà sư. Thường khách sẽ mang tiền phúng điếu cho gia đình và tham gia lễ Hỏa thiêu.  Sau đó khi hỏa thiêu xong hũ cốt sẽ được đem gửi và chôn tại nghĩa trang tại chùa.    

tm

Ngày Thanh minh ở Nhật Bản còn được xem là ngày bắt đầu mùa hoa anh đào nở, báo hiệu cho một mùa xuân bắt đầu. Sau năm 1948, Chính phủ Nhật thêm một ý nghĩa cho lễ Thanh minh là ngày ngắm thiên nhiên và sự sống. Ngoài việc thăm mộ phần tổ tiên, người Nhật thường cũng đi chùa, và đền Shinto. Họ đi cầu nguyện hạnh phúc và an vui cho cuộc sống. Trong cảnh nhộn nhịp đó, có những gia đình cả nhà mặc đồ truyền thống, những cô gái mặc kimono ôm trên tay một hộp gỗ xinh xắn… đó là những hình ảnh khó quên trong ngày lễ Thanh minh.

***MHT***

Trung tâm tiếng Nhật NEWSKY sưu tầm và tổng hợp

Nguồn: tổng hợp