Học Tiếng Anh để làm gì?

HỌC TIẾNG ANH ĐỂ LÀM GÌ?

(TBKTSG) – Trong bối cảnh toàn cầu hóa và tốc độ dịch chuyển chất xám ngày càng cao của thị trường lao động quốc gia, khu vực và cả thế giới, bất cứ ai có kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ sẽ luôn có ưu thế hơn những người chỉ biết tiếng mẹ đẻ.

Càng biết nhiều thứ tiếng, bạn sẽ có nhiều cơ hội việc làm được trả lương cao. Một doanh nhân giỏi ngoại ngữ dĩ nhiên sẽ tự tin trong giao dịch làm ăn với đối tác hay khách hàng nước ngoài. Nói một cách ngắn gọn, khả năng ngoại ngữ cùng với kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cụ thể sẽ là tấm thông hành cho phép bạn tham gia vào chuỗi lao động toàn cầu.

Cho dù chính sách ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục của Việt Nam có lúc mưa lúc nắng và dư luận có thể bị đánh lạc hướng vì một số chủ trương nhất thời nào đó, ngoại ngữ đầu tiên mà người Việt trong nước cần học vẫn là tiếng Anh. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có hơn 70 quốc gia trên toàn cầu dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức; hơn hai phần ba nhà khoa học trên thế giới đọc tài liệu bằng tiếng Anh và trong một số lĩnh vực tỷ lệ này có thể lên đến gần 100%. Tiếng Anh dĩ nhiên là ngôn ngữ chính của sân bay, kiểm soát không lưu, giao thương, hội nghị, khoa học, ngoại giao, các cuộc thi đấu thể dục thể thao quốc tế và cả quảng cáo.

english_in_the_countries_of_the_world

Hầu hết các nước phát triển đều theo xu hướng lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ giao tiếp quốc tế. Nhờ có tiếng Anh, các nước ASEAN có thể nhanh chóng liên lạc với nhau và có lẽ các văn kiện thỏa thuận đều được ký kết bằng tiếng Anh. Ở tất cả các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU), tiếng Anh được giảng dạy trong nhà trường như ngoại ngữ thứ nhất. Ngoài lãnh thổ nước Anh, các khóa học MBA ngày càng có xu hướng dùng tiếng Anh trong thảo luận hay viết lách. Hơn 85% các tổ chức quốc tế dùng tiếng Anh như một trong những ngôn ngữ làm việc chủ yếu. Hơn 90% máy tính nối kết với Internet đều nằm ở các nước nói tiếng Anh và hơn 80% trang web đều có nội dung bằng tiếng Anh…

Có một số ít nhà quản lý hay doanh nhân người Việt luôn tự hào về bản sắc và văn hóa của mình đã cho rằng cũng không nhất thiết phải biết ngoại ngữ vì “bọn nó” muốn vào lãnh thổ Việt Nam kiếm tiền thì phải biết tiếng Việt. Điều này sẽ trở thành “chân lý” nếu người Việt tự hài lòng trên tư thế của người mua hàng và Việt Nam tiếp tục là một quốc gia nhập siêu. Ngược lại, nếu muốn bán sản phẩm hay dịch vụ của mình thì bạn cần phải hiểu văn hóa và ngôn ngữ của người mua. Một cách cụ thể, nếu bạn muốn bán hàng cho người Trung Quốc thì nên biết tiếng Hoa. Với thị trường châu Âu thì bạn cần có thêm tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý và càng nhiều càng tốt.

Nhưng nói vậy thôi, ngoại trừ bạn có ý chí say mê học hỏi hay có điều kiện sống trong môi trường đa ngôn ngữ đa sắc tộc như tác giả bài viết này, như đã nói ở trên tiếng Anh vẫn là chìa khóa đầu tiên để mở ra thế giới bên ngoài. Còn nhớ 23 năm trước khi chân ướt chân ráo đến Singapore, Internet hay mạng xã hội chưa phổ biến và tràn lan như bây giờ, tôi phải đồng hành với cái tivi 20 inch để theo dõi thời sự địa phương và luyện kỹ năng nghe. Mặc dù thời gian đầu chưa quen với giọng điệu của người Singapore nhưng tôi cũng kịp thời nắm bắt thông tin nhờ bản tin hàng ngày bằng tiếng Anh phát lúc 9 giờ 30 tối trên Kênh 5 có phụ đề bằng tiếng… Anh. “Chiến hữu” thứ hai giúp tôi học tiếng Anh là nhật báo The Straits Times (TST) và một số tờ báo, tạp chí trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Môi trường giao tiếp của tôi có vẻ thuận lợi vì phải sử dụng tiếng Anh thường xuyên trong công việc nhưng nếu không trang bị cho mình kiến thức và thông tin tổng quát về tình hình chính trị – kinh tế – xã hội, rèn luyện kỹ năng và có số vốn từ vựng căn bản để diễn tả ý tưởng và quan điểm trong công việc thì có lẽ tôi khó tồn tại được về mặt nghề nghiệp. Mỗi ngày, thậm chí cho đến bây giờ, tôi đều dành 5-10 phút luyện phát âm bằng cách đọc chậm và rõ (articulate) vài đoạn trên sách báo. Dù muốn dù không, tiếng Anh của tôi cũng bị tiêm nhiễm cách phát âm và giọng điệu của người Singapore, thậm chí Singlish.

Với các công cụ hỗ trợ công nghệ cao như các phần mềm hay ứng dụng tự học và thế giới học tập rộng mở qua các mạng xã hội mà tiếng Anh là ngôn ngữ chiếm ưu thế, giờ đây bạn có thể học tiếng Anh mà không cần phải qua trường lớp chính quy. Theo quan sát có phần chủ quan của tôi, hạn chế lớn nhất của người Việt khi học tiếng Anh chính là tính cầu toàn, mặc cảm tự ti hay tự tôn và tâm lý sính bằng cấp không chỉ riêng với việc học ngoại ngữ. Lý tưởng nhất là bạn có điều kiện ra nước ngoài học ngoại ngữ nhưng đó chỉ là yếu tố mang tính xúc tác và thúc đẩy quá trình tiếp thu kiến thức. Sự thật phũ phàng là ngoài một số ít người tốt nghiệp tiến sĩ hay thạc sĩ ở nước ngoài về còn giữ được phong độ ngoại ngữ, phần lớn đã không còn dành thời gian văn ôn võ luyện và có khi còn thua cả những người có bằng cấp trong nước…

HỌC TIẾNG ANH ĐỂ LÀM GÌ?

HỌC TIẾNG ANH ĐỂ LÀM GÌ?

Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học về thần kinh, việc học thêm một ngôn ngữ mới sẽ có nhiều lợi ích cho tuổi trung niên trong đó có việc làm thay đổi cấu trúc và chức năng sinh lý của não bộ và phát triển các mạch não (brain circuit). Diện tích vùng não bộ dành cho chức năng ngôn ngữ sẽ tăng lên nếu bạn càng cố gắng nhiều hơn trong việc trui rèn các kỹ năng đọc, viết và nói một thứ tiếng mới. Học ngoại ngữ sẽ giúp bạn tăng cường sức mạnh não bộ và luôn giữ tinh thần minh mẫn khi đã ngoại ngũ tuần.

Không rõ bạn có tin điều dó không nhưng với tác giả bài viết này, việc trau dồi kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong đó có tiếng Anh và các ngôn ngữ khác là đòi hỏi mang tính sống còn. Với tôi, mỗi ngày mở mắt dậy là phải đối đầu với những thách thức mới trong công việc và cuộc sống. Đảo quốc bé nhỏ nóng nực quanh năm này không phải là chỗ để ai đó khoe khoang bằng cấp hay vỗ ngực xưng tên về gốc gác hay thân thế của mình. Bạn chỉ có thể tồn tại với tinh thần học tập và vươn lên không ngừng, thái độ cởi mở và khoan dung với các nền văn hóa, tôn giáo hay sắc tộc khác và không bao giờ quên quê hương nguồn cội là nơi mình đã sinh ra và lớn lên, cho dù giờ đây ở đâu đó vẫn còn nghèo nàn lạc hậu và quanh quẩn trong hào quang quá khứ.

Theo Thời Báo Kinh tế Sài Gòn