Dành nhiều năm để học ngoại ngữ nhưng khi sở hữu bằng C tiếng Anh, anh Tuấn vẫn không thể nào giao tiếp được.
Sinh ra ở vùng thôn quê Quảng Bình nên mãi tới khi lên cấp 3, anh Nguyễn Quang Tuấn mới bắt đầu học tiếng Anh theo hệ 3 năm. “Lúc đó đối với tôi và các bạn trong lớp, tiếng Anh là một môn khó nhai và gần như không ai nghĩ tới việc dùng nó sau này nên chỉ học để đối phó. Hơn nữa với cách dạy thiên về ngữ pháp và từ vựng, chúng tôi đã rất khó khăn để không bị điểm yếu môn này”, anh Tuấn chia sẻ.
Với cách học và dạy này, anh Tuấn cho biết kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh chỉ đạt 3,5 điểm đối với môn tiếng Anh. Anh Tuấn sau đó đậu vào ngành Kinh tế của một đại học lớn ở TP HCM nhờ thế mạnh về các môn tự nhiên. Cứ nghĩ sẽ thoát khỏi nỗi sợ hãi về môn ngoại ngữ, nhưng khi vào đại học anh bắt đầu thấm thía những thiệt thòi khi không thể sử dụng tiếng Anh tốt như các bạn ở TP HCM.
Mặc dù điểm các môn học luôn đứng nhất nhì lớp nhưng vì tiếng Anh kém, anh Tuấn vuột mất nhiều cơ hội nhận học bổng, tham gia vào các chương trình giao lưu, trao đổi sinh viên. Anh cũng chỉ tiếp xúc với những tài liệu bằng tiếng Việt, chứ không tham khảo thêm tài liệu nước ngoài. “Nhiều lúc làm bài tập nhóm môn tiếng Anh, tôi bị bạn bè tách ra vì khả năng ngoại ngữ kém sợ ảnh hưởng điểm của cả nhóm”, anh Tuấn nhớ lại.
Ý thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ này, từ năm thứ hai đại học, ngoài thời gian học trên lớp, anh Tuấn bắt đầu lên kế hoạch và dành thời gian để học tiếng Anh. Tuy nhiên sau một thời gian loay hoay không biết phải bắt đầu như thế nào, chàng sinh viên miền Trung đành phải tiết kiệm tiền rồi đăng ký vào học ở một trong tâm ở gần trường với mức giá vừa phải.
Giáo viên toàn là người Việt, anh Tuấn được học hết thì này qua thì khác, cấu trúc câu, các câu nối trong tiếng Anh… “Thậm chí mỗi ngày tôi đều dành thời gian để học chay 10 từ vựng, tuy nhiên vì không được ứng dụng thường xuyên lại học theo kiểu thuộc lòng nên tôi cứ học trước quên sau. Phần ngữ pháp cũng vậy”, anh Tuấn chia sẻ.
Với cách học đó, sau 3 năm “dùi mài” ở các trung tâm ngoại ngữ, mặc dù sở hữu bằng C trong tay nhưng anh Tuấn vẫn không thể nào sử dụng thông thạo ngôn ngữ này. “Tôi cảm thấy tiếc vì đầu tư thời gian và tiền bạc sai cách nên không có hiệu quả”, nam thanh niên nói thêm.
Hiện tại, để cải thiện khả năng tiếng Anh của mình, Tuấn chọn cách tự học. Mặc dù đi làm khá mệt nhưng anh đều dành ra một tiếng mỗi ngày để luyện nghe và học tiếng Anh.
Trong một tiếng đó, anh Tuấn tập trung nghe và tập nói tiếng Anh theo người bản địa qua các kênh trên Internet. Anh cũng tham gia và kết bạn một số câu lạc bộ có người bản địa để nói chuyện, còn buổi sáng trong lúc chạy thể dục, anh Tuấn tranh thủ nghe thêm các bài hát tiếng Anh để quen dần với cách nhấn giọng cũng như ngữ điệu trong tiếng Anh.
“Tôi may mắn khi có một người bạn cùng cơ quan giỏi tiếng Anh và nhận làm gia sư. Mỗi khi có thời gian chúng tôi tranh thủ nói chuyện bằng tiếng Anh, khi cô ấy đi chơi với các nhóm bạn nước ngoài cũng thường rủ tôi đi theo”, anh Tuấn nói.
Từ khi thay đổi cách học, sau một năm, từ chỗ không dám giao tiếp bằng tiếng Anh vì nói sợ sai thì nay anh Tuấn đã bắt đầu giao tiếp được cơ bản. Anh cũng cho biết sẽ kiên trì học theo phương pháp mới, đồng thời cởi mở hơn trong việc giao tiếp tiếng anh với mong muốn chinh phục cả 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc viết) để có những bước tiến mới trong sự nghiệp.
Nguồn: vnexpress.net