Điểm Anh văn loại Giỏi sao nói được mỗi một câu?

(GDVN) – Với cách học chỉ luyện ngữ pháp, không luyện nói thì không có gì bất ngờ trong kì thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua điểm Anh văn lại thấp đến như vậy.

LTS: Nhìn nhận từ điểm số môn Anh văn trong kỳ thi THPT quốc gia và thực trạng học Anh văn học sinh hiện nay, cô giáo Phan Tuyết mong muốn ngành giáo dục cần thay đổi cách dạy và học môn học này để Việt Nam có thể hòa nhập với thế giới một cách tốt hơn.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 

Thấy cô em gái nói: “Con gái em học Anh văn rất tốt, em thấy mừng. Điểm tổng kết Anh văn của nó năm nay cao nhất lớp chị ạ, được 9.6 điểm”.

Em tôi nói “Gia đình em mừng vô cùng. Đời mình chẳng được học Anh văn nên cảm thấy thua thiệt bạn bè. Bù đắp cho con, em đã không tiếc cho cháu đi học thêm từ khi còn nhỏ và luôn tự hào 12 năm học, điểm tổng kết môn tiếng Anh của nó luôn đứng hạng nhất nhì trong lớp”.

Em tôi nói với giọng đầy tự hào về con và thấy vui khi nghĩ số tiền đã bỏ ra đầu tư cho con học là hoàn toàn hữu ích. Nghe câu chuyện của cô em gái, bất giác, tôi ao ước và mơ đến những điều lớn lao hơn thế.

Nhưng rồi, trong chuyến đi du lịch cùng gia đình cô em, tôi bừng tỉnh, tôi thấy cháu mình “chẳng là gì đâu”. Bất chợt thấy rất buồn vì vốn Anh văn của cháu chỉ dùng để  làm bài thi trên giấy còn giao tiếp thì hoàn toàn thất vọng.

Khi cả gia đình đang ngồi nghỉ bên hồ, có hai người nước ngoài đến gần, tôi biết chắc họ đang muốn làm quen. Tôi nghe người con trai chỉ vào ngực mình và hỏi điều gì đó, rồi anh ta chỉ vào cô cháu gái của tôi hỏi tiếp, câu hỏi được nhắc lại đến mấy lần…

Sau giây phút bối rối, cháu tôi trả lời lắp bắp với thái độ lúng ta lúng túng. Người nước ngoài cứ xua tay và so vai…tôi nghĩ họ có điều gì đó không được hài lòng.

6

Sau câu trả lời thiếu tự tin, cháu giục chúng tôi đi thật nhanh ra khỏi nơi đó. Lúc này, tôi mới hỏi nó: “Khi nãy họ nói gì mà con không hiểu”? Nó nói: “Họ giới thiệu họ tên là Michael đến từ nước Mỹ và hỏi con tên gì, bao nhiêu tuổi?”.

Tôi hỏi: “Con hiểu sao không trả lời họ mà bỏ chạy?”. Nó nói không chút ngần ngại: “Con phát âm tiếng Anh dở lắm, con nghe cũng yếu, sợ họ cười”.

Tôi đã nói với nó: “Đó là cơ hội sao con không biết tận dụng mà kiểm tra lại trình độ của mình xem sao, chỉ mới vài câu xã giao đơn giản, con không nói được huống gì những câu hỏi khó hơn?”.

Nhìn con, bất giác tôi hỏi tiếp: “Mà con nói mình được tổng kết điểm cao nhất lớp. Chỉ giao tiếp một cách đơn giản cũng không đủ tự tin, bác thấy nghi ngờ”.

Nghe tôi nói, nó tiếp lời: “Con chỉ học giỏi ngữ pháp nên thành thạo kĩ năng đọc, viết, còn kĩ năng nghe, nói…thì dở tệ bác ạ. Mà lớp con, trường con bạn nào mà chẳng thế”.

Rồi con kể ở lớp vào giờ tiếng Anh chủ yếu là làm bài tập ngữ pháp ít khi được đứng lên luyện nói do lớp quá đông, thời gian một tiết học giới hạn, mỗi bạn phát âm một từ cũng đã hết giờ.

Tôi nói: “Năm nào con cũng có đi học thêm, ở lớp dạy thêm con không được rèn nói?”. Nó đã làm tôi bất ngờ bởi câu trả lời: “Lớp học thêm còn đông gấp đôi gấp ba lớp ở trường, chép bài mỏi tay còn chưa xong, thời gian nào thầy cô cho luyện nói?”.

Tôi bỗng nhớ lời cô giáo dạy Anh văn hôm trước tôi đi xin cho cháu học: “Mặc dù có 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Nhưng em chỉ dạy cho bé những kiến thức để đi thi như đọc và viết. Còn nghe và nói vào Đại học cũng chưa muộn chị ạ”.

Cô em nói những lần con học bài cũ chỉ lấy một số đề ra làm đi làm lại đến thuộc làu. Nó nói đây là những đề ôn tập để chuẩn bị kiểm tra một tiết. Lúc này thì tôi hiểu vì sao cháu lại có điểm tổng kết Anh văn cao như thế mà lại yếu kĩ năng giao tiếp như vậy.

Chẳng riêng gì cháu tôi, những học sinh được đi học thêm đặc biệt là học kèm thường được thầy cô giáo chăm chút các em nhiều hơn bằng những đề trùng dạng với đề sẽ kiểm tra. Nên việc kiếm được điểm cao cũng chẳng có gì là khó.

Với cách học này, dù đạt loại Giỏi, các em cũng không thể tự tin để giới thiệu mình trước một người rành tiếng Anh là thế. Và không có gì bất ngờ trong kì thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua điểm Anh văn lại thấp đến như vậy.

Theo giaoduc.net