Những điểm mới về lao động nước ngoài tại Việt Nam

 

Để được xem xét làm việc ở vị trí chuyên gia, người nước ngoài phải có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất ba năm kinh nghiệm làm việc. Ảnh một giáo viên dạy tiếng Anh ở TPHCM. Ảnh kenhtuyensinh.vn

Để được xem xét làm việc ở vị trí chuyên gia, người nước ngoài phải có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất ba năm kinh nghiệm làm việc. Ảnh một giáo viên dạy tiếng Anh ở TPHCM. Ảnh kenhtuyensinh.vn

(TBKTSG) – Chính phủ đã thông qua Nghị định 11/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài tại Việt Nam (sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-4-2016). So với Nghị định 102/2013 hiện đang điều chỉnh vấn đề này, Nghị định 11 có một số quy định mới mà các doanh nghiệp nên lưu ý.
Trước tiên, về các vị trí có thể tuyển dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Nghị định 11 đã có những sự thay đổi trong các định nghĩa. Các yêu cầu, định nghĩa đối với một số vị trí mà người nước ngoài được phép làm việc tại Việt Nam theo điều 3 Nghị định 11 cũng thoáng hơn so với Nghị định 102/2013 và Thông tư 03/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn nghị định này.
Cụ thể, người lao động nước ngoài chỉ cần đáp ứng một trong hai điều kiện sau đây là có thể được xem xét làm việc tại Việt Nam đối với vị trí chuyên gia: (i) có văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài; hoặc (ii) có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất ba năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo. Rõ ràng, so với quy định hiện hành, yêu cầu đối với vị trí này thể hiện sự nới lỏng về mặt quản lý. Đây cũng là một điều tất yếu để chuẩn bị tinh thần cho cả thị trường lao động nội địa cũng như nền tảng pháp luật cho việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Bên cạnh đó, trong định nghĩa về “nhà quản lý, giám đốc điều hành”, Nghị định 11 đã thể hiện tư duy lập pháp hiện đại, tuy kế thừa từ nội dung của Thông tư 03 nhưng có sự thống nhất về câu chữ, đồng bộ hóa thuật ngữ pháp lý trong lĩnh vực lao động và doanh nghiệp.
Thứ hai, theo các quy định trước đây, tất cả mọi trường hợp có nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, doanh nghiệp đều phải nộp thông báo giải trình cho UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, Nghị định 11 đã cho phép trong một số trường hợp nhất định đơn vị sử dụng lao động nước ngoài không cần phải thông báo giải trình nữa. Đây được xem là một trong những quy định nhằm tinh giản thủ tục hành chính không cần thiết và cũng phù hợp với thực tế. Điển hình như trường hợp người lao động nước ngoài vào Việt Nam với thời hạn dưới ba tháng, theo quy định tại điều 172 Bộ luật Lao động cũng được miễn giấy phép lao động thì việc phải thực hiện báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của doanh nghiệp là không cần thiết. Ngoài ra, điều này còn giúp giảm tải các công việc giấy tờ của cơ quan nhà nước.
Thứ ba, về hồ sơ xin cấp hoặc cấp lại giấy phép lao động, Nghị định 11 đã quy định một cách cụ thể, rõ ràng cũng như hướng dẫn chi tiết cho các trường hợp có thể phát sinh trên thực tế. Đồng thời, việc hướng dẫn này cũng tạo nên hành lang pháp lý vững chắc, vừa giúp các cơ quan quản lý lao động ở địa phương chủ động giải quyết các hồ sơ, vừa tạo sự minh bạch để doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tuân thủ pháp luật.
Thứ tư, về trình tự cấp phép và thời hạn của giấy phép lao động, Nghị định 11 kế thừa hầu hết các quy định hiện hành từ Nghị định 102 và Thông tư 03. Riêng về thời hạn cấp phép, Nghị định 11 đã rút ngắn hơn so với trước đây. Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh sẽ xem xét cấp Giấy phép lao động trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ cho người lao động nước ngoài (quy định trước đây là 10 ngày làm việc).
Cuối cùng là về việc chuẩn bị tâm lý cho thị trường lao động nội địa trong thời gian sắp tới. Ban đầu, một số quan điểm cho rằng Nhà nước cần thiết lập các rào cản chặt chẽ hơn đối với lao động nước ngoài và có chính sách để bảo hộ tốt hơn cho thị trường lao động nội địa trước làn sóng hội nhập AEC. Tuy nhiên, đến thời điểm này, xét về tổng quan, Nghị định 11 dường như đang đi theo hướng “thoáng” hơn. Theo quan điểm của người viết, đây là một nước đi đúng đắn bởi thị trường lao động nội địa nếu cứ mãi được ưu ái, không có sự cạnh tranh thì sẽ khó lớn mạnh được.
Ngoài ra, việc nguồn lực lao động trình độ cao vào Việt Nam sẽ giúp phát triển trình độ chuyên môn cũng như tay nghề của lao động Việt Nam, là cơ hội tốt để lao động Việt Nam cọ xát, học hỏi. Hơn nữa, việc “di cư” lao động giữa các quốc gia khi hội nhập AEC chưa bao giờ là mũi tên một chiều. Luồng lao động sẽ luôn được luân chuyển phục vụ nhu cầu sử dụng của các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, bên cạnh áp lực đối với thị trường lao động nội địa, đây cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam đưa lao động sang làm việc tại các quốc gia khác.

Nguồn: Saigontimes

Trung Tâm Ngoại Ngữ NEWSKY